Cổ đông lớn nước ngoài đăng ký mua 20,9 triệu cổ phiếu của Vinamilk

Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk- mã chứng khoán VNM) vừa công bố ông Lee Meng Tat (quốc tịch Singapore) đã đăng ký mua vào 20,9 triệu cổ phiếu. 

 

Theo đó, ông Lee Meng Tat là Giám đốc Fraser and Neave, Limited. Đơn vị này hiện sở hữu 100% vốn của F&N Dairy Investments Pte. Ltd (là cổ đông sở hữu 17,69% cổ phiếu VNM). Thời gian mua vào dự kiến từ ngày 26-7 đến 24-8. Nếu giao dịch thành công, nhà đầu tư này sẽ nâng số cổ phiếu VNM sở hữu lên 390.652.413 cổ phiếu, tương ứng 18,69%.
 
Trước đó, đầu tháng 12-2022 và đầu tháng 1-2023, đơn vị này cũng đã đăng ký mua 20,9 triệu cổ phiếu VNM, nhưng giao dịch bất thành do điều kiện thị trường không phù hợp. Đây không phải là lần đầu đơn vị này mua hụt cổ phiếu VNM mà tháng 11-2022, họ đã đăng ký nhưng cũng chưa được.
 
 
Một cổ đông lớn khác là Platinum Victory Pte Ltd cũng liên tục đăng ký mua 20,9 triệu cổ phiếu VNM nhằm tăng sở hữu từ 10,62% lên 11,62% vốn điều lệ nhưng bất thành.
 
Năm 2022, số lần đăng ký mua vào cổ phiếu VNM của cả 2 đơn vị này lên tới 12 - 14 lần nhưng đều không thành. Tỉ lệ sở hữu vẫn như cũ, ở mức 17,69% với F&N Dairy Investments và 10,62% với Platinum Victory Pte. Ltd.

Có thể nhận định việc đăng ký sẵn thông tin của 2 đơn vị này nhằm mục đích sẽ mua ngay khi thị trường có biến động xấu, giá cổ phiếu giảm để không bị vi phạm quy định của Luật Chứng khoán. Tuy nhiên, VNM thực tế không giảm nhiều trong thời gian qua.

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần qua, VNM nằm ở mức giá 73.500 đồng/cổ phiếu, tương ứng với giá đầu năm 2023. Còn trong năm 2022, dù nhiều cổ phiếu toàn thị trường giảm sâu nhưng VNM chỉ giảm nhẹ chưa tới 6%.

Vinamilk cũng vừa thông báo ngày 4-8 tới là ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách nhận cổ tức bằng tiền cho đợt cuối năm 2022 và đợt 1 năm 2023, với tỉ lệ 24,5% (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu VNM được nhận 2.450 đồng). Ngày thanh toán dự kiến là ngày 5-10 tới.

Trước đó, chiều 6-7, Vinamilk sau 47 năm đã công bố nhận diện thương hiệu mới nhằm nâng tầm với chiến lược và định vị mới.

Cổ phiếu ngân hàng đỡ thị trường: SHB lên mức cao nhất hơn 1 năm, TPB ghi nhận thanh khoản cao kỷ lục

 Kết phiên 18/7, toàn ngành ngân hàng ghi nhận 20 mã tăng, 3 mã giảm và 4 mã đứng giá tham chiếu. Trong đó, 3 mã có đóng góp tích cực nhất thuộc nhóm ngân hàng là VPB, BID và TPB.



Thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận diễn biến giằng co trong phiên 18/7 khi chỉ số chính Vn-Index dao động hẹp quanh mức tham chiếu với biên độ. Theo đó, áp lực từ vùng cản quanh 1.170 điểm khiến sắc đỏ chiếm ưu thế trên bảng giá điện tử, nhưng nhờ nhóm bluechip với trụ cột chính là các cổ phiếu ngân hàng đã giúp VN-Index duy trì được sắc xanh trong phiên thứ 8 liên tiếp.

Kết phiên, toàn ngành ngân hàng ghi nhận 20 mã tăng, 3 mã giảm và 4 mã đứng giá tham chiếu. Trong đó, 3 mã có đóng góp tích cực nhất cho VN-Index hôm nay đều thuộc nhóm ngân hàng là VPB, BID và TPB.

Dẫn đầu ngành ngân hàng, cổ phiếu TPB của TPBank bật tăng hơn 3,8% với thanh khoản khớp lệnh đạt hơn 24,8 triệu đơn vị, gấp 4 lần khối lượng bình quân 15 ngày qua và là khối lượng giao dịch cao nhất kể từ khi niêm yết.

SHB cũng duy trì được nhịp tăng tốt khi "xanh" 3,3%, lên 14.150 đồng/cp - mức cao nhất trong hơn một năm, kể từ đầu tháng 5/2022. Tính từ đầu tháng 7 đến nay, cổ phiếu này đã tăng tổng cộng 13,2% và một trong nhưng mã tăng mạnh nhất nhóm ngân hàng. Cùng với diễn biến giá, thanh khoản của SHB cũng thuộc nhóm dẫn đầu ngành ngân hàng, cho thấy sự quan tâm của nhà đầu tư đối với cổ phiếu này.

Cổ phiếu SHB bật tăng tốt trong bối cảnh ngày hôm qua (17/7), HOSE đã chính thức đưa cổ phiếu này vào rổ chỉ số VN30 - nhóm cổ phiếu được xếp hạng cao nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam, có giá trị vốn hóa và thanh khoản cao.

Trước đó, thị trường cũng đón nhận nhiều thông tin tích cực về SHB như kế hoạch chia cổ tức, bán cổ phần cho nước ngoài,...Đây được cho là chất xúc tác giúp cổ phiếu này có được diễn biến tích cực trong thời gian qua.

VPB của VPBank tiếp tục thể hiện phong độ ấn tượng trong phiên hôm nay khi “xanh” hơn 2,4% lên gần 21.000 đồng/cp. Trước đó, cổ phiếu này đã bật tăng gần 2,8% trong ngày hôm qua.

Ngoài những mã kể trên, một số cổ phiếu ngân hàng vốn hóa lớn cũng có được diễn biến tích cực như STB (+1,6%), TCB (+1,3%), BID (+1,1%).

Nhiều cổ phiếu ngân hàng ngân hàng vốn hóa trung bình kết phiên trong sắc xanh có LPB (+0,9%), MSB (+0,8%), OCB (+0,5%).

Trong đó, lực cầu tăng mạnh trong phiên ATC đã giúp OCB đóng cửa tại mức giá cao nhất trong phiên 18.350 đồng/cp; qua đó đánh dấu phiên tăng giá thứ hai liên tiếp của cổ phiếu này. Vừa qua, NHNN cũng đã cho phép OCB phát hành gần 685 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu, tương đương với tỷ lệ 50%. Đây là một trong những bước cuối cùng để ngân hàng này tiến hành trả thưởng cổ phiếu cho cổ đông.

Nhiều mã trên thị trường UPCoM cũng bật tăng tốt trong phiên hôm nay, có thể kể đến như KLB (+3,7%), NVB (+3,6%), VAB (+2,5%).

Ở chiều ngược lại, chỉ có 3 mã ngân hàng đóng cửa trong sắc đỏ với PGB giảm sâu nhất (-1,6%). Hai mã giảm giá còn lại là VCB (-0,5%) và EIB (-1,2%). Trong khi ACB, HDB, MBB kết phiên tại giá tham chiếu.

Thanh khoản của nhiều cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh trong phiên hôm nay. Trong đó, VPB tiếp tục dẫn đầu toàn ngành với hơn 37,3 triệu cổ phiếu được giao dịch khớp lệnh trực tiếp trên sàn, giá trị 777 tỷ đồng.

Đứng sau VPB lần lượt là TPB (24,8 triệu cp), SHB (24,2 triệu cp), STB (23 triệu cp), LPB (9,2 triệu cp), MBB (7,5 triệu cp).

Về khối ngoại, nhóm này bán ròng mạnh tại một loạt cổ phiếu “bank” như VPB (gần 3 triệu cp), TPB (2,7 triệu cp), CTG (475.000 cp) và BID (368.000 cp), trong khi mua ròng tại SHB (hơn 1,2 triệu cp) và EIB (280.000 cp).

Tiền gửi của người dân vào hệ thống ngân hàng đạt 6,33 triệu tỉ đồng, tăng gần nửa triệu tỉ đồng so với cuối năm 2022.

 Những ngày gần đây dồn dập số liệu về số doanh nghiệp phá sản, tín dụng tăng thấp cùng với đó là lượng tiền gửi tại ngân hàng tăng cao. 

Theo số liệu cập nhật gần nhất thì tiền gửi của người dân vào hệ thống ngân hàng đạt 6,33 triệu tỉ đồng, tăng gần nửa triệu tỉ đồng so với cuối năm 2022. Trong khi đó, dư nợ tín dụng đến cuối tháng 6 tăng hơn 4,7%, mới đạt 1/3 kế hoạch năm nay.

Tình thế của các ngân hàng hiện nay chẳng khác nào cầm "hòn than đang cháy" vì ôm một đống vốn và phải trả lãi đều cho người gửi tiền nhưng lại không cho vay được. Đây không phải lần đầu mà 10 năm trước, năm 2013 các ngân hàng cũng lâm vào tình thế bị "phỏng tay" như vậy và phải đua nhau giảm mạnh lãi suất huy động.

Thế nhưng tình hình hiện nay còn khó khăn hơn 10 năm trước bởi doanh nghiệp vừa trải qua hai năm đại dịch lại phải đối mặt ngay với suy thoái kinh tế, "sống mòn" với sức mua kém. 

Do vậy nội chỉ lo chuyện tồn tại thôi đã là quá khó nói gì đến việc dám vay vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh.

Ngân hàng thừa thanh khoản nhưng mỏi mắt không tìm ra được khách hàng tốt để cho vay. '

Người dân thì có tâm lý phòng thủ, gửi tiền ở ngân hàng chờ tín hiệu tốt mới dám bung ra. Mới qua hai quý nhưng các tổ chức quốc tế đã hai lần hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Vậy làm sao để khơi dòng vốn ra thị trường?

Theo các chuyên gia, doanh nghiệp chỉ dám vay vốn làm ăn khi sức mua hồi phục trở lại. Hiện nay khó khăn bủa vây trong khi sức mua của thị trường trong nước lẫn xuất khẩu đều suy giảm. 

Khi doanh nghiệp thấy đầu ra gặp khó thì chắc chắn họ sẽ không có nhu cầu huy động thêm vốn để mở rộng. Nếu có thì phần nhiều sẽ đến từ nhu cầu tái cấu trúc nợ, đảo nợ hoặc duy trì thanh khoản hoạt động.


Chưa kể nếu doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng thật thì hiện nay việc huy động vốn cũng không dễ, một phần vì ngân hàng thận trọng trong việc cho vay, một phần vì người dân không còn tin tưởng vào các sản phẩm tài chính, lãi suất cho vay lại giảm chậm.


Chính vì vậy để khơi thông dòng vốn phải chờ tín hiệu từ sự cải thiện lòng tin của người dân vào các sản phẩm tài chính chuyên nghiệp, áp lực nợ xấu ngân hàng không còn đè nặng và lãi suất giảm về mức đủ để doanh nghiệp hấp thụ được.


Thêm nữa, nhiều doanh nghiệp kỳ vọng thị trường bất động sản ấm trở lại để giúp chủ doanh nghiệp, người dân xoay vòng được lượng tiền đã bị "ghim" vào bất động sản và từ đó cải thiện tâm lý cũng như hành vi tiêu dùng, đầu tư.



Tại buổi làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ mới đây, Thủ tướng đã yêu cầu ngân hàng nghiên cứu nới các điều kiện vay, hạ thêm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời hơn, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ngoài những biện pháp mà Chính phủ, bộ, ngành đã triển khai vừa qua như giảm thuế, giãn hoãn nợ, phí, Thủ tướng cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần điều hành chính sách tiền tệ nới lỏng hơn qua tăng cung tiền, tăng tín dụng, giảm lãi suất và nới điều kiện cho vay để vốn vào sản xuất kinh doanh.

Tinh thần là doanh nghiệp, ngân hàng cần lắng nghe, chia sẻ nhiều hơn, có trách nhiệm và cùng nhau gỡ khó khăn. Ngân hàng phải đặt mình vào địa vị doanh nghiệp và ngược lại. Như vậy mới tìm được lối ra trong bối cảnh nhìn đâu cũng thấy khó như hiện nay.